100 năm báo chí cách mạng: Một bản hùng ca bằng nghệ thuật sân khấu

Chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, ca sĩ, nhóm nhạc nổi tiếng

Từ khởi nguyên lý tưởng đến hành trình dựng xây

Chương trình được dàn dựng công phu, chia thành bốn phần tương ứng với bốn chặng đường lớn: Khai sinh – Trưởng thành – Phát triển – Kỷ nguyên mới, kết hợp giữa biểu diễn sân khấu và công nghệ Hologram hiện đại, tái hiện sinh động dòng chảy lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.

Mở đầu là hành trình từ năm 1922, với hình ảnh tờ Le Paria (Người cùng khổ) – cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp thuộc địa tại Pháp, nơi chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc cùng các nhà hoạt động cách mạng tiến bộ đã khởi xướng và cất tiếng nói đầu tiên đấu tranh cho các dân tộc bị áp bức. Đó là những viên gạch đầu tiên cho một nền báo chí không chỉ là thông tin, mà là khí cụ đấu tranh giải phóng dân tộc.

Bốn năm sau, ngày 21/6/1925 – cột mốc lịch sử của báo chí cách mạng Việt Nam – tờ Thanh Niên ra đời do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng. Dù chưa bao giờ tự nhận là nhà báo, nhưng với hơn 2.000 bài viết, sử dụng hơn 170 bút danh và sáng lập 9 tờ báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành người đặt nền móng vững chắc cho nền báo chí cách mạng Việt Nam – một nhà báo vĩ đại trong lòng dân tộc.

Ca sĩ Võ Hạ Trâm thể hiện ca khúc “Du kích sông Thao” đẩy cảm xúc. Ảnh: Ban tổ chức

Báo chí giữa khói lửa chiến tranh: Những ngòi bút đi cùng dân tộc

Phần thứ hai của chương trình – Trưởng thành – khắc họa vai trò không thể thiếu của báo chí trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Những nhà báo không chỉ viết bằng ngòi bút, mà còn bằng chính cuộc đời mình. Họ là những chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận truyền thông, vừa cầm bút, vừa cầm súng.

Hơn 500 nhà báo đã hy sinh trong suốt 100 năm phát triển của nền báo chí cách mạng – một con số biết nói về lòng dũng cảm và lý tưởng sống cao đẹp. Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, chia sẻ trong chương trình những ký ức xúc động về đồng nghiệp đã ngã xuống trên chiến trường: một nhà báo tại Tây Ninh năm 1967, trước khi hi sinh, vẫn kịp bắn hạ hai xe bọc thép của quân thù; hay một nữ nhà báo kiên cường không hé lộ thông tin trong lúc bị địch tra tấn.

Nhóm Oplus thể hiện ca khúc “Tiến quân ca“. Ảnh: Ban tổ chức

Những ký ức sống mãi với thời gian

Không chỉ ghi lại sự kiện, những người làm báo cách mạng còn chạm tới phần sâu nhất của lịch sử bằng chính sinh mệnh của mình. Họ là những người tiên phong, chọn đối diện với hiểm nguy để mang về những thước phim, dòng chữ chân thật nhất. Những câu chuyện ấy được tái hiện không chỉ bằng hình ảnh, mà bằng cảm xúc – làm sống dậy tinh thần của một thế hệ dấn thân vì lý tưởng độc lập và sự thật.

Chương trình không chỉ là một hoạt động nghệ thuật – mà là lời tri ân, sự tiếp nối tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp của các thế hệ nhà báo cách mạng. Tròn 100 năm kể từ ngày báo Thanh Niên ra số đầu tiên, hành trình của báo chí Việt Nam vẫn tiếp tục với những trọng trách mới trong kỷ nguyên thông tin số – nơi sự thật, trách nhiệm và lòng yêu nước vẫn là cốt lõi không thể thay đổi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *